Hình Ảnh
Chùa Tam Bảo nằm ngay trung tâm thị xã Hà Tiên, tọa lac tại số 75 Phương Thành, phường Bình San, thị xã Hà Tiên – tỉnh Kiên Giang.
Chùa Tam Bảo còn có tên gọi là chùa Tiêu, là một trong 10 cảnh đẹp từng được Mạc Thiên Tứ ca ngợi qua bài vịnh Tiêu Tự Thần Chung khá nổi tiếng. Chùa được triều đình nhà Nguyễn ban biển sắc phong nên còn được gọi là Sắc Tứ Tam Bảo Tự.
Theo sách Mạc Thị Gia Phả, sau khi triều đình nhà Thanh được thành lập tại Trung Hoa, một vị quan trung thành với nhà Minh là Mạc Cửu đã rời bỏ quê hương trôi dạt xuống vùng Đông Nam Á.
(Cổng chùa.)
Năm 1695, ông thần Phục vua Chân Lạp và xin được đến khai phá vùng Mang Khảm. Đến năm 1714, Mạc Cửu xin sát nhập Mang Khảm vào xứ Đàng Trong. Chúa Hiển tông Nguyễn Phúc Chu đồng ý phong cho Mạc Cửu chức Tổng binh, sau phong Cửu Lộc hầu. Vùng Mang Khảm sau đó được đổi thành trấn Hà Tiên.
Sau một thời gian gầy dựng Hà Tiên, thân mẫu của ông là Thái Thái phu nhân cũng được đưa đến đây. Năm 1730, để có nơi chốn cho mẹ tu hành trong những năm cuối đời, Khai trấn Cửu Lộc Hầu Mạc Cửu đã cho xây dựng chùa Tam Bảo sau khi Thái Thái phu nhân quy y với Hòa thượng Ấn Hạ thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 35.
Tu hành được một thời gian, Thái Thái phu nhân tọa hóa trước Phật Đài. Mạc Cửu cho đúc kim thân của mẹ để thờ, đúc một Đại hồng chung để cúng và nghe tiếng chuông mà tưởng niệm mẹ hiền. Năm 1735, Mạc Cửu qua đời, con ông là Mạc Thiên Tứ (hay Mạc Thiên Tích) thay cha làm Đô đốc Tổng binh. Chính ông đã ca ngợi cảnh đẹp của chùa Tam Bảo Hà Tiên qua bài thơ Tiêu tự thần chung trong Hà Tiên thập vịnh.
Đời trụ trì đầu tiên của chùa Tam Bảo là hoà thượng Ấn Hạ cũng là vị hoà thượng khai nguyên cho Phật giáo xứ Hà Tiên.
Đến nay, chùa Tam Bảo đã trải qua 19 đời trụ trì là những vị chân tăng như hoà thượng Hoà Quang, thiền sư Nhất Đới, thiền sư Trí Tàng, thiền sư Hoằng Ân, thiền sư Hải Huệ, thiền sư Giác Ngạn, thiền sư Như Đức, thiền sư Như Khả, thiền sư Phước Chơn, hoà thượng Thuần Hạnh, Yết ma Phước Thành, hoà thượng Phước Ân (1920 – 1946), hoà thượng Phước Quang, hoà thượng Quảng Đức, hoà thượng Vĩnh Đạt, hoà thượng Chánh Định, thượng tọa Thiện Giác (1960 – 1974) và từ năm 1974 đến nay là ni sư Thích Nữ Như Hải (thế danh Huỳnh Thị Phước).
Từ ngày thành lập đến nay, chùa Tam Bảo đã được trùng tu nhiều lần do ngôi chùa xưa đã hỏng, chỉ còn dấu vết ở các bức tường thành. Hai lần trùng tu được xem là lớn nhất là trong thời gian trụ trì của hoà thượng Phước Ân (1920 – 1946) và trong thời gian trụ trì của ni sư Như Hải từ 1974. Lần trùng tu lớn thứ 1 là vào năm 1930, hoà thượng Phước Ân đã cho xây dựng lại chùa Tam Bảo với dáng vẻ khang trang uy nghiêm như ngày nay và cho trồng một số cây sao đến nay đã trở thành cổ thụ.
(Di Mẫu và 6 vị Tỳ kheo ni trước sân.)
Lần thứ 2, sau khi được cử về trụ trì chùa Tam Bảo, ni sư Như Hải đã bắt đầu cho kiến tạo và trùng tu một số công trình như An vị Đức Quán Thế Âm Bồ Tát lộ thiên cao 5 m, nặng 7 tấn (1974), Lợp lại mái ngói Chánh điện và Nhà Tổ (1979), An vị tôn tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn (1987), An vị Đức Bổn sư Thích Ca ngồi dưới cội Bồ đề (1983), xây dựng cổng Tam quan, phục chế bức tường đã sụp đổ và chỉnh trang cảnh quan xung quanh chùa (1992), an vị đài Di Lặc năm 2000 ở sân giữa chùa, an vị tượng Di Mẫu và 6 vị Tỳ kheo ni năm 2003 ở sân trước chùa.
Điện Phật được bài trí trang nghiêm. Vị trí cao nhất thờ tượng Di Đà Tam Tôn. Pho tượng đức Phật A Di Đà bằng đồng, cao 1,40m, do ông Mạc Cửu cúng, được tôn trí ở giữa, hai bên đặt tượng Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí.
Kế tiếp có tượng đức Phật Thích Ca thành đạo, đức Phật Thích Ca khuyến thiện, tượng Thích Ca đản sanh và tượng đức Phật nhập Niết bàn. Đối diện bàn thờ Phật, có bàn thờ tượng Bồ tát Phổ Hiền, Hộ Pháp, Bồ tát Địa Tạng và Tiêu Diện.
(Tháp mộ Thái Thái Bà Bà ở sau chùa.)
Ở sân trước chùa còn có phòng phát hành kinh sách, tranh tượng Phật giáo đa dạng, phong phú. Chung quanh chùa còn rải rác nhiều bức vách xây hồ tam hạp, cũ kỹ nhưng chắc chắn. Tính ra, bức tường cổ này đã tồn tại gần 300 năm ròng.
Trước cổng chùa có đôi câu đối:
Nhất trần bất nhiễm Bồ Đề địa.
Vạn thiện đồng quy Bát Nhã môn.
Tạm dịch:
Cõi bồ đề không nhiễm một hạt bụi trần,
Cửa bát nhã hội tụ vạn điều tốt đẹp.
Chùa đã được Mạc Thiên Tứ miêu tả trong bài xướng Tiêu tự thần chung:
Tàn tinh tiêu lạc hướng thiên phao,
Mậu dạ kình âm viễn tự xao.
Tịnh cảnh nhân duyên tỉnh thế giới,
Cô thanh thanh việt xuất giang giao.
Hốt kinh hạc lệ nhiễu phong thụ,
Hựu xúc ô đề ỷ nguyệt sao.
Đốn giác thiên gia y chẩm hậu,
Kê truyền hiểu tín diệc liêu liêu.
Bản dịch của Đông Hồ:)
Tượng Phật nằm – Ảnh: Hoàng Chí Hùng
Lác đác trời tàn nhạt sánh sao,
Chuông chùa xa vẳng tiếng đưa vào.
Mơ màng cõi tục người tiên lẫn,
Đồng vọng bờ cây bến nước xao.
Hạc để tiếng vương cành gió thoảng,
Quạ đưa lời gởi ngọn trăng cao.
Gối nghiêng giấc tỉnh đêm mê mộng,
Sớm giục canh gà tin khát khao.
Dấu tích tường cổ còn lại.
Chùa Tam Bảo là một trong những thắng cảnh của xứ Hà Tiên, từng được ca ngợi qua bài vịnh Tiêu tự thần chung của Mạc Thiên Tích. Ngôi chùa ngày nay tuy không còn giữ được lối kiến trúc ban đầu, nhưng vẫn mang dáng vẻ thanh u, tĩnh mịch của chốn tu hành.
(Trích nguồn : dulichhatien.vn )
__________________________
Mũi Nai Resort – Hà tiên
Địa chỉ: Bãi trước,Khu du lịch Mũi Nai , Pháo Đài Hà Tiên – Kiên Giang.
website: www.dulichhatien24h.net
Liên Hệ: 0948 870 387 – 0986 334 350