Huyền bí tháp 7 tầng cứu người ở đất Hà Tiên

Nằm trên đỉnh núi Đề Liêm ở phường Bình San (thị xã Hà Tiên, Kiên Giang), nhiều năm qua người dân trong vùng vẫn truyền tai nhau về tòa tháp 7 tầng có tuổi đời tới 300 năm huyền bí, từng cứu sống nhiều mạng người. Từ những cư dân hiền lành trước họng súng của quân Pôn Pốt cho tới những kẻ u mê, toan tự tử khi thua bạc bên kia biên giới Campuchia. Tất cả mọi người, không hiểu sao khi tới tòa tháp này, chui vào trong ngôi tháp cổ ấy lại tiếp tục sống thêm nhiều năm nữa.

Mặc dù là ngôi tháp khá nổi tiếng với cư dân mảnh đất biên giới Hà Tiên nhưng đường đi vào tháp 7 tầng lại rất khó khăn. Từ lộ đi vào, phải qua một nghĩa trang hoang vu vắng vẻ với lối đi cũng rất nhỏ. Hai bên đường không có nhà dân, người ở dù đây là đô thị. Theo một người dân địa phương, núi Đề Liêm còn có tên gọi khác là núi Phù Dung. Đường lên đỉnh núi hiện được trải một lớp bê-tông mỏng, chỉ vừa một người đi lên. Từ chân núi nhìn lên, quanh năm nơi đây xanh um tùm, có mây lả lướt bay. Ngôi tháp huyền bí ấy nằm lung chừng ngọn núi. Đón tiếp chúng tôi là ông Lương Phấn Cang, gần 80 tuổi, một người địa phương, từng là viên chức nhưng lâu nay lại sống một mình biệt lập, trông coi, dọn dẹp ngôi cổ tháp, rất ít khi xuống núi trừ lúc mua đồ ăn, đồ uống. Kể về sự tích cứu người của ngôi cổ tháp, ông Cang rành rẽ thuật lại từng chi tiết bởi đơn giản, ông chính là một trong số ít người từng là nhân chứng được cứu bởi ngôi tháp trước lưỡi hái tử thần.

“Tôi còn nhớ khi đó là tháng 3 năm 1978, người dân Hà Tiên được thông báo phải sơ tán khẩn cấp bởi quân Pôn Pốt đang tràn qua. Người dân biên giới khu vực Xà Xía và chợ Hà Tiên hay tin quân Pôn Pốt bắt đầu tràn vào lãnh thổ nước ta, đã lục đục dọn đồ đạc chạy về phía Hòn Đất lánh nạn. Nhiều người chạy không kịp đều bị chúng tàn sát dã man. Khi ấy, cũng như bây giờ, quanh chân núi Đề Liêm còn thưa người, tách biệt với cụm dân cư bên ngoài. Vì vậy, 3 gia đình của ông Trần Kim Sáu, bà Thìn và ông Niêng sống dưới chân núi Phù Dung hoàn toàn không hay biết tin gì về các cuộc di tản.

Khi nghe tiếng súng và tiếng kêu cứu thất thanh của những người dân ở xóm ngoài bị giết thì mọi người biết không thể di tản được. Không còn cách nào khác, 3 gia đình gồm 11 người, trong đó có 5 trẻ em chạy lên núi Đề Liêm với mục đích càng xa phía quân giặc càng tốt. May mắn là trên đỉnh núi có ngôi tháp cổ, hoang vu được một cây đề cổ thụ mọc trùm ôm trọn lấy. Mọi người vừa chui vào tháp thì một toán quân Pôn Pốt ôm súng tiến vào khu vực chân núi Đề Liêm. Không tìm thấy ai, toán quân thấy một con đường mòn nhỏ dẫn lên núi nên lần tìm theo. Lúc này, một đứa trẻ bên trong tháp khóc ré lên, dù mẹ nó đã kịp bịt miệng lại nhưng tụi nó vẫn nghe thấy nên tập trung sự chú ý vào ngôi tháp cổ, chĩa súng vào miệng tháp dòm ngó. Những người trốn bên trong ai cũng kinh hồn, nhắm mắt chờ tên lính nã đạn.

Bất ngờ, một con chó ở đâu lao tới, sủa vang, làm tên lính giật mình, lia một loạt đạn vào con chó, một viên trúng góc bia phía trước tháp và bay vào vách cửa, nhưng may mắn văng trở ra. Đám lính sau đó bỏ xuống chân núi, cắm trại ở luôn dưới đó khiến tất cả 11 người buộc phải ngồi im trong tháp cổ. Mãi đến trưa hôm sau, khi bộ đội ta phản công, đánh bật giặc Pôn Pốt ra khỏi bờ cõi, toán lính kia bị tiêu diệt thì những nạn nhân trong tháp mới dám đi ra. Một trong số các nạn nhân ấy chính là tôi. Hơn nữa, rất nhiều người khác hiện nay cũng vẫn còn sống. Có người thì ở quanh đây, có người đã chuyển lên Sài Gòn, Cần Thơ sống rồi”, ông kể.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh ngôi tháp cổ, ông Cang kể, ngôi tháp này thực ra là phần mộ của vị sư trụ trì chùa Phù Dung, nằm chân núi. Những người cao tuổi thường gọi ngọn núi này là núi Phù Dung nhưng những người trẻ lại gọi là núi Đề Liêm, vì đây là cái tên mới được đặt lại sau này. Chuyện kể rằng, núi Phù Dung ở thế long chầu, dưới chân núi cây cối bốn bề xanh tốt, một ngày nọ có vị sư, cùng những phật tử đến đây dựng chùa để tu hành. Khi vị hòa thượng viên tịch, phật tử xây cho ngài một ngôi tháp có 7 tầng, làm một cái am che chở ngọc vị ngay trước phía Đông Bắc, sát cạnh chùa để hương khói. Nhưng do chùa nằm ở phía sát biên giới, giặc nhiều lần đến nhũng nhiễu, quấy phá.

Trong một lần xứ Hà Tiên thất thủ, ngôi chùa Phù Dung cũng bị giặc sang cướp bóc rồi phá đi, chỉ còn tháp 7 tầng và nền chùa cũ trơ trọi. Sau đó một thời gian, không biết ai trồng một cây bồ đề bên cạnh tháp. Cây càng lớn, rễ càng mọc dài ra và ôm trọn lấy ngôi tháp. Ôm mãi mấy trăm năm sau cho tới bây giờ. Mặc dù vậy, rễ cây bồ đề lại không bao giờ trùm lên cửa tháp khiến cho ai cũng có thể chui vào trong tháp được.

Hiện ở cửa tháp có một tấm bia đá cổ chắn ngang cửa ra vào tháp. Trên bia được khắc hàng chữ nho, là ngọc vị của Lão Hòa Thượng, người được phật tử xây ngôi tháp để an táng mấy trăm năm trước. Ngoài chữ nho, người ta còn ghi một bảng hiệu bằng chữ quốc ngữ, với nội dung “Lâm Tế, 1662, tháp 7 tầng, Ấn Đàm, Lão Hòa Thượng”.

Kể về những câu chuyện gần đây ở ngôi cổ tháp linh thiêng này, ông Cang bảo tận mắt ông từng chứng kiến nhiều người tới tháp tìm cái chết nhưng sau đó lại vui vẻ sống tiếp.

Đó là một anh thanh niên ở Hà Tiên, vì sang bên kia biên giới cờ bạc mà bán hết gia sản. Anh quyết định lên núi tự tử, với một sợi dây thừng đem theo. Khi cột dây vào gốc cây trên cao của nhánh bồ đề, anh đưa cổ vào đó tìm tới cái chết. Ai ngờ lúc đó gió thổi mạnh, nút dây buộc tuột ra, người thanh niên ngã xuống đất, chỉ bị thương nhẹ. Sau đó anh ta tu chí làm ăn. Nghe nói hiện nay đã có gia đình, rất khá giả. Còn sợi dây anh ta dùng để tự tử thì vẫn bay phất phơ trên cành bồ đề, nhìn kỹ vẫn thấy. Không chỉ có chàng thanh niên ấy, nhiều phụ nữ cũng vì buồn chán nhân sinh, tìm tới ngôi cổ tháp để kết liễu đời mình thì trong sát na ấy, họ như được giác ngộ, thức tỉnh để tiếp tục sống tốt, sống vui hơn. Không biết chính xác nhưng câu chuyện kia là thế nào nhưng hiện nay ở quanh gốc bồ đề, ngôi cổ tháp chúng tôi nhìn thấy rất nhiều bùa, lời khấn được viết và đóng đinh lên cây với tâm nguyện mà chủ nhân của nó gửi trao.

Nhìn ngôi tháp cổ gần 300 tuổi bị bao bọc gần như toàn bộ bởi cây bồ đề với phần móng đã mục ruỗng, đổ nát do thời gian và những cuộc binh biến, chúng tôi vô cùng bất ngờ bởi theo ông Cang, nếu không có cây bồ đề ấy, chắc chắn ngôi tháp kia sẽ không thể nào tồn tại được từng ấy thời gian, và cứu giúp được rất nhiều con người nơi đây.

( Nguồn: daidoanket.vn )

__________________________

Mũi Nai Resort – Hà tiên

Địa chỉ: Bãi trước,Khu du lịch Mũi Nai , Pháo Đài Hà Tiên – Kiên Giang.

website: www.dulichhatien24h.net

Liên Hệ: 0948 870 387 – 0986 334 350

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

094 7709559
challenges-icon chat-active-icon